Cách viết sơ yếu lý lịch khi xin việc làm
Đơn xin việc và sơ yếu lý lịch là cầu nối đầu tiên giữa bạn và nhà tuyển dụng, giúp họ bước đầu phác họa chân dung bạn là ai. Trong bài viết sau, Xprienz sẽ hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch xin việc làm để bạn gây ấn tượng tốt nhất với nhà tuyển dụng.
Sơ yếu lý lịch là gì?
Sơ yếu lý lịch (hay sơ yếu lý lịch tự thuật) là bản kê khai thông tin liên quan đến ứng viên xin việc, thường được dùng để hoàn thiện bộ hồ sơ xin việc hay làm các thủ tục hành chính liên quan.
Trên thực tế, nhiều ứng viên xin việc nhầm lẫn sơ yếu lý lịch và CV là một. Thực chất hai loại giấy tờ này không giống nhau. Nếu CV chỉ cung cấp thông tin của mỗi ứng viên thì sơ yếu lý lịch mang tính tổng quan hơn, bao gồm thông tin của ứng viên và các thành viên trong gia đình.
Mẫu sơ yếu lý lịch gồm những gì?
Mẫu sơ yếu lý lịch hoàn chỉnh sẽ bao gồm:
- Ảnh 4×6
- Thông tin cá nhân: họ tên, giới tính, năm sinh, nguyên quán, hộ khẩu thường trú, số CMND, dân tộc…
- Trình độ văn hóa, chuyên môn, ngày kết nạp Đảng, tình trạng sức khỏe, cấp bậc, lương…
- Hoàn cảnh gia đình: họ tên, năm sinh, chỗ ở, nghề nghiệp của bố mẹ, vợ/chồng, anh – chị – em ruột…
- Quá trình học tập của bản thân, công tác ở đâu, vị trí nào…
- Khen thưởng/Kỷ luật
- Lời cam đoan
- Chữ ký, xác nhận đóng dấu của địa phương
Trình độ văn hóa là mục không thể thiếu trong sơ yếu lý lịch (Nguồn ảnh: Internet)
Hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch xin việc làm
Mẫu sơ yếu lý lịch cần bám sát các hạng mục sau:
Họ tên, ngày tháng năm sinh
Họ tên, ngày tháng năm sinh phải viết đúng với chứng minh nhân dân và viết in hoa.
Phần địa chỉ
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hiện nay phải viết rõ thôn (số nhà, đường phố), xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành phố) theo đúng số hộ khẩu.
Nơi ở hiện tại phải viết rõ thôn (số nhà, đường phố), xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành phố).
Nguyên quán là nơi sinh sống của ông bà nội, cha đẻ. Trường hợp cá biệt có thể ghi theo quê quán của người mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ bố, mẹ).
Dân tộc
Đa số là dân tộc Kinh, nếu là dân tộc khác thì viết tên dân tộc gốc của bản thân. Nếu là con lai nước ngoài thì ghi rõ quốc tịch, dân tộc của bố, mẹ là người nước ngoài.
Tôn giáo
Ghi rõ đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo… Ghi cả chức sắc trong tôn giáo (nếu có). Không theo đạo nào thì ghi “Không”.
Thành phần gia đình sau cải cách ruộng đất
Điền thông tin về thành phần của gia đình bạn theo đúng quy định của pháp luật, có thể là cố nông, bần nông, trung nông, địa chủ, viên chức hay công chức.
Thành phần bản thân gia đình hiện nay
Gia đình bạn thuộc thành phần nào sẽ điền thông tin vào đó như công nhân, công chức, viên chức…
Trình độ văn hóa
Viết rõ thông tin 12/12 chính quy hay 12/12 bổ túc văn hóa.
Trình độ ngoại ngữ
Ghi cụ thể các văn bằng có liên quan tới trình độ ngoại ngữ như Anh ngữ, Pháp ngữ…
Ngày kết nạp Đảng
Ngày tháng năm và nơi kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam/Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Nghề nghiệp hoặc trình độ chuyên môn
Văn bằng bạn được cấp, thuộc chuyên ngành nào, học chính quy hay tại chức, nếu có nhiều bằng thì ghi tất cả.
Cấp bậc
Theo ngạch chuyên viên, kỹ thuật viên, quản lý, giám đốc… (nếu có).
Lương chính hiện nay
Ghi rõ mức lương hiện tại của mình (còn lương trong CV là mức lương mong muốn).
Ngày nhập ngũ quân đội nhân dân Việt Nam
Ngày nhập ngũ quân đội nhân dân Việt Nam, ngày xuất ngũ, lý do.
Hoàn cảnh gia đình
Viết thông tin cha, mẹ đẻ (hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ), anh chị em ruột, vợ/chồng, con cái. Viết rõ các thông tin về họ tên, năm sinh, quê quán, chỗ ở, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế của từng người.
Quá trình hoạt động của bản thân
Tóm tắt quá trình tham gia hoạt động xã hội, đi học ở đâu, đi làm ở đâu, giữ chức vụ gì.
Khen thưởng/Kỷ luật
Viết rõ tháng năm, hình thức được khen thưởng, lý so sai phạm, hình thức kỷ luật.
Xác nhận sơ yếu lý lịch ở đâu?
Chứng thực sơ yếu lý lịch là thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký. Do đó, người có yêu cầu chứng thực sơ yếu lý lịch có thể thực hiện tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký sau:
- UBND cấp xã bất kỳ không phụ thuộc vào nơi đăng ký thường trú hay nơi đăng ký tạm trú. UBND cấp xã đều có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản (trừ chứng thực chữ ký người dịch) nên đều có thể chứng thực việc người khai lý lịch đã ký trước mặt họ và chữ ký đó là của người khai lý lịch.
- Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng.
- Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Công chứng sơ yếu lý lịch cần gì?
Người yêu cầu công chứng sơ yếu lý lịch phải xuất trình các giấy tờ sau theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 23/2015:
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
- Sơ yếu lý lịch.
Thời hạn giải quyết: Trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ. Trường hợp trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo thì phải có phiếu hẹn ghi rõ giờ, ngày trả kết quả.
Phí chứng thực sơ yếu lý lịch: 10.000 đồng/trường hợp (trường hợp được tính là một hoặc nhiều chữ ký trong một giấy tờ, văn bản).
Với bản sao chứng thực, chưa có bất kỳ một văn bản nào quy định về thời hạn của bản sao chứng thực. Tuy nhiên, thực tế nhiều nơi yêu cầu sơ yếu lý lịch phải được chứng thực trong vòng 3 hoặc 6 tháng.
Leave a Reply